Sử dụng phân bón cho rau sạch phải phối hợp cân đối:
+ Cân đối: Là cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân đối giữa các yếu tố (Đa, trung, vi lượng), cung cấp kịp thời và phù hợp với nhu cầu để thu được năng suất và phẩm chất nông sản mong muốn, không gây ô nhiễm môi trường.
+ Phối hợp: Sự cung cấp tự nhiên từ đất, nước tưới, các nguồn khác và sự cung cấp từ phân bón.
+ Bón phân hợp lý: Cân đối giữa các loại phân, bón đúng liều lượng, đúng đất, đúng lúc, đúng cây, phù hợp trạng thái sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Bón phân đúng lúc, đúng thời điểm, đúng lượng cho rau sinh trưởng và phát triển
Đúng lượng: Xác định đúng liều lượng cung cấp đầy đủ nhu cầu của cây về phân bón, giảm lượng dư thừa của đất.
Đúng đất: Chọn phân bón phù hợp với tính chất cơ bản của đất
Đúng lúc: Bón phân vào lúc cây trồng cần nguyên tố dinh dưỡng nhiều nhất để sinh trưởng và phát triển.
Các cách bón phân cho rau sạch
Có 3 cách bón phân cho rau sạch chủ yếu: Bón bề mặt, bón cho đất trồng và phun qua lá. Áp dụng các phương pháp này tùy theo từng loại phân, bề mặt đất, thiết bị bón phân và từng loại cây trồng.
Bón bề mặt đất trồng rau: Đây là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất đối với loại phân Đạm, dùng tay để rắc đều trên bề mặt đất trồng cây rau. Đối với phân bón hữu cơ thì nên bón phía dưới lòng đất sau đó lấp đất lên hoặc có thể trộn đều với đất bề mặt.
Bón cho đất: Phương pháp này rất phù hợp cho các loại phân bón cho rau hòa tan như Lân và Kali hữu cơ. Đưa phân vào các lỗ nhỏ hoặc đào rãnh xung quanh cây trồng, sau đó dùng nước tưới đẫm để phân ngấm nhanh vào trong đất giúp cây rau hấp thu nhanh phát triển tốt.
Phun lá: sử dụng phương pháp cho hiệu quả nhất là bón phân giàu hàm lượng chất sắt, kẽm hoặc các nguồn có chất đạm như (Bio Nut), tuy nhiên đây là phương án rất khó tính toán được chính xác hàm lượng phân mà cây rau hấp thu được.
Không nên nhầm lẫn giữa phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng, nếu trong phân bón lá có chất kích thích sinh trưởng thì trong phân này đã có chất dinh dưỡng, nếu chỉ dùng kích thích sinh trưởng thì phải bổ sung thêm dinh dưỡng để cây tăng trưởng tương ứng với sự kích thích đó.
Những lưu ý quan trọng khi bón phân cho rau sạch
Để đạt yêu cầu rau sạch, điều quan trọng là phải bón phân đúng cách. Vì vậy cần chú ý đến những điểm sau khi sử dụng phân bón cho rau sạch:
+ Không nên dùng phân hữu cơ tươi bón hoặc tưới cho rau, phân cần ủ thật hoai, xử lý diệt nấm khuẩn theo hướng dẫn (cần bổ sung hệ VSV có lợi để xử lý như Trichoderma). Không nên dùng nước thải sinh hoạt chưa xử lý để tưới cho giàn rau sạch tại nhà vì như vậy rau rất dễ bị nhiễm bệnh.
+ Không nên dùng phân chế biến từ rác thải thành phố để bón rau, vì trong rác thải này có chứa rất nhiều kim loại nặng.
Đối với các loại rau trồng tại nhà ăn lá mà tưới phân hữu cơ sinh học được pha loãng tưới vào gốc hoặc phun qua lá như (Bio Roso, Bio Nut,…). Lượng tưới theo hướng dẫn. Tránh trường hợp bón phân Đạm quá nhiều dễ để lại lượng nitrat tồn lưu trong rau.
Cây rau có thể hút các chất điều hòa sinh trưởng và chất dinh dưỡng qua lá, nên dùng biện pháp này để tăng năng suất rau, song các chất điều hòa sinh trưởng là các hóa chất có thể gây độc cho người và gia súc. Các chất này lúc thu hoạch có khi vẫn bám trên mặt lá, không rửa kỹ sẽ rất có hại. Thay vào đó sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học, sẽ mang lại lợi ích về năng suất nhưng không ảnh hưởng hay gây ngộ độc cho con người và vật nuôi như sản phẩm (Gà cồ tím, Bio Roso, Bio Nut,…)
Các loại phân bón cho rau sạch trên thị trường
Phân hóa học: Còn gọi là phân bón vô cơ, chứa 1 hoặc vài loại dinh dưỡng cần thiết cho cây dưới dạng các muối khoáng. Các loại phân bón hóa học thường gặp như là Urea, NPK, Lân, Kali,… Những loại phân bón này có ưu điểm là cung cấp nhanh và nhiều hàm lượng các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây rau, tuy nhiên, nếu sử dụng phân bón hóa học lâu dài sẽ gây bạc màu, thay đổi tính chất đất, gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Phân hữu cơ: Bao gồm nhiều loại được ủ theo nhiểu quy trình và nguyên liệu khác nhau như phân bò, phân gà, phân xanh, than bùn,…mà có tên gọi khác nhau. Các loại phân hữu cơ này ngoài tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây rau còn giúp cải tạo đất thông qua bổ chất mùn hữu cơ làm đất tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ ẩm và kích thích sự tăng trưởng của cây trồng. Phân hữu cơ thường được trộn chung với tro trấu, xơ dừa với tỉ lệ thích hợp để bón lót cho rau. Sau mỗi đơt thu hoạch bạn nên bón phân hữu cơ để cải tạo đất cho vụ mới.
Để đảm bảo quy trình trồng rau sạch, nên sử dụng hợp lý các loại phân bón hóa học với liều lượng thích hợp và thời gian cách ly đủ để đảm bảo dư lượng tồn dư trong rau. Nên tăng cường sử dụng bón phân hữu cơ vi sinh để tăng cường hệ vi sinh vật hữu ích cho đất, tăng cường phân giải các chất dinh dưỡng giúp sử dụng phân bón hiệu quả hơn. Ngoài ra phân hữu cơ vi sinh còn giúp tăng cường sức chống chịu của cây đối với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh hại.
Thời điểm bón phân và lượng phân bón cho rau sạch
Bón lót: Thường dùng phân chuồng đã qua xử lý, phân hữu cơ vi sinh (Gà cồ tím), phân vô cơ chậm tan như Lân, Kali và vôi (cung cấp cho cả quá trình sinh trưởng của cây) và một lượng phân Đạm cung cấp cho rau ở giai đoạn cây con.
Bón thúc: Là cách bón bổ sung vào những giai đoạn cây cần dinh dưỡng nhất là để sinh trưởng, phát triển và tạo sản phẩm. Bón thúc thường dùng các loại phân dễ hòa tan, dễ tiêu như phân chuồng ngâm ủ, hoặc các dòng phân bón hữu cơ vi sinh công nghiệp, ngoài ra cũng có thể bổ sung lượng NPK với liều lượng thích hợp.
Các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn (< 60 ngày), bón thúc 2 lần, kết thúc bón trước khi thu hoạch từ 10 – 12 ngày. Nếu sử dụng thuần sinh học thời gian cách ly khoảng 2-3 ngày.
Các loại rau có thời gian sinh trưởng dài, có thể bón thúc 3 lần, kết thúc bón phân hóa học trước khi thu hoạch 30 – 40 ngày.
Sử dụng các loại phân bón lá và chất điều hòa sinh trưởng ngay khi mới bén rễ, có thể phun 3 – 4 lần tùy từng loại rau. Nồng độ theo hướng dẫn cho từng loại rau và từng loại chế phẩm, kết thúc trước khi thu hoạch 10 ngày.
Hãy bổ sung những kiến thức về cách bón phân cho rau sạch này vào cẩm nang kỹ thuật trồng rau sạch tại nhà của mình để có thể tạo ra nhiều loại rau sạch phục vụ cho gia đình nhé!